Tầm Quan Trọng Của Phương Thức Kể Chuyện

Giang: 
     Tao thấy nội dung kể chuyện quan trọng nhưng phương thức và công cụ truyền tải câu chuyện đó cũng quan trọng không kém. Như việc đọc chữ và nghe nói mang lại hai cảm xúc khác nhau. Vậy tao phải làm gì để tăng sự hấp dẫn cho câu chuyện tao kể?

Gy: 
     Con người luôn chỉ muốn tiếp nhận những thông tin liên quan đến họ. Một câu chuyện sẽ hay hơn nếu nó đáng tin hơn. Câu chuyện cũng hay hơn nếu chúng ta chủ động hơn trong việc đọc/nghe nó.
“Ai cũng thích mua hàng nhưng chẳng ai thích bị bán”
     Nhớ rằng ai cũng muốn chủ động, ai cũng muốn làm chủ hành vi và cuộc sống của mình. Ở đây, việc đọc thường mang lại sự chủ động cao hơn việc nghe. 

     Mày tình cờ đọc được một bài viết tâm sự cá nhân trên Internet, không liên quan gì đến mày. Sau 5 phút, mày cảm thấy bực bội vì bài viết vớ vẩn đã khiến mày quên mất mình đang định làm gì trên Internet. Nhưng mày sẽ không bao giờ oán trách tác giả của bài viết đó, mày chỉ tự trách chính mình vì đã quá dễ dãi và đã mềm lòng trước tiêu đề để rồi mất 5 phút tiếp theo đọc những thứ vô bổ. Mày hoàn toàn dễ dàng lựa chọn đọc tiếp hoặc lướt qua, nhưng mày đã chọn đọc tiếp. Lỗi là do mày. Còn nếu mày phải nghe ai đó lải nhải suốt về họ, trực tiếp bằng lời nói, thì mày có thể sẽ chửi người đó. Họ đang cố xả cảm xúc vào tai mày, mày thấy vậy. Mày đang phải bị động lắng nghe những thứ không liên quan gì đến mày. Mày đang thấy bị cướp mất thời gian. Mày thấy khó khăn trong việc chạy trốn khỏi câu chuyện không liên quan ấy một cách lịch sự và không làm tổn thương họ.

     Nghe một người tự nói về mình làm sao đáng tin bằng nghe người khác nói về họ. Nghe trực tiếp một người nói với mình sao đáng tin bằng nghe lén người đó nói với người khác. Đó là lý do mà PR đáng tin hơn Quảng cáo, truyền thông đại chúng đáng tin hơn tiếp thị cá nhân. 

Giang: 
     Vậy tao phải làm sao để những tâm sự của tao chạm được đến trái tim của mọi người? Cứ cho là câu chuyện của tao liên quan đến mọi người đi. 

Gy:
     Nếu câu chuyện của mày liên quan đến họ thì mày đã đi được nửa đường rồi. Nửa đường còn lại liên quan đến phương thức truyền tải, làm sao để nguời ta cũng thấy được sự liên quan đó. 

     Những nội dung phức tạp nên được truyền tải bằng văn bản thay vì lời nói. Bên cạnh việc văn bản giúp người đọc có thể đọc chậm, đọc đi đọc lại thì văn bản cũng giúp người đọc chủ động về thời gian và không gian tiếp nhận. Với cùng một nội dung, văn bản được công bố public sẽ đáng tin hơn một bức thư được gửi riêng. Việc truy cập và đọc một bài viết public là chủ động, còn việc đọc một bức thư gửi đích xác thì là bị động. Hãy dẫn dắt họ, nhưng để họ thấy mình vẫn đang chủ động. Internet đang dẫn dắt chúng ta rất siêu, chúng ta cứ nghĩ mình chủ động nhưng thực tế thì chưa chắc. Hãy như Internet.

      Nếu nói chuyện, với những câu hỏi vu vơ kiểu như “Hãy giới thiệu tôi nghe về bản thân bạn”, chỉ nên trả lời ngắn gọn, vì họ không quan tâm đâu. Chỉ nên kể chi tiết, dông dài khi được đặt câu hỏi đích xác kiểu như “Làm sao mày làm được như vậy” vì khi đặt câu hỏi đó, họ đã ngưỡng mộ và sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của mày. Để khiến họ tò mò và đặt câu hỏi đó, họ cần tình cờ nhìn thấy mày-trong-một-thế-giới-không-có-họ. Họ nghe được một người thứ ba kể về mày, họ nhìn trộm, nghe lén mày giao tiếp với người khác. Mày-trong-một-thế-giới-không-có-họ đáng tin hơn. Với việc dàn xếp để tạo ra sự “tình cờ” kia, mày sẽ dẫn dắt họ trong khi họ vẫn thấy mình đang chủ động. 

Nhận xét

Bài Đăng Phổ Biến