Làm Sao Để Có Thể Thấu Cảm Thực Sự?

Giang: 
   Trong Lão Hạc có câu “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?". Nhìn một bức ảnh chụp nhóm, người đầu tiên họ tìm kiếm là chính họ. Ai cũng chỉ thích nói chuyện về chính họ. Mọi người càng ngày càng sống ích kỉ, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân mày ạ. 

Gy: 
    Mày cũng thế còn gì! Hôm trước, cuối giờ hội thảo "Đồng thuận trong tình dục", mày nói chuyện với cô gái ngồi cạnh, cô ấy còn khen mày rất đồng cảm với cố ấy nữa chứ. Nhưng tao biết mày giả vờ vậy thôi, mày chẳng hứng thú tẹo nào.

Giang: 
   Mấy kĩ năng tỏ ra chăm chú lắng nghe có thể học được. Còn về nội dung, đúng là tao chẳng muốn nghe mấy câu chuyện khủng hoảng tâm lý của cô ấy tẹo nào. Tao thấy mấy người làm nghề trị liệu tâm lý cũng tài thật, họ có thể suốt ngày lắng nghe mấy câu chuyện trời ơi đất hỡi đấy, còn cuộc sống cá nhân của họ nữa thì họ vứt đâu nhỉ? Trước nghe ông Đặng Hoàng Giang nói về việc ông ấy tập thấu cảm bằng cách ngưng đánh giá câu chuyện của đối phương. Tao thấy thế khác nào lời từ tai này qua tai khác, sự thấu cảm giả dối thì có.

Gy: 
    Khoan nói về việc lắng nghe mà không đánh giá dẫn tới sự thấu cảm thật hay thấu cảm giả, nhưng mày hãy thử nghĩ lại lý do mày thích How I met your mother hay Rừng Na Uy xem. Mày thực sự mê bộ phim và cuốn sách đó đúng không, mà rõ ràng họ kể câu chuyện của họ, liên quan gì đến mày đâu mà sao mày vẫn mê chúng vậy?

Giang: 
    Tao thấy đồng cảm với câu chuyện của họ. Không phải lúc nào những câu chuyện đó cũng làm tao cười, thậm chí nhiều khi là khóc. Nhưng tao thấy cuộc đời mình tương tự như vậy. Tao tin là sự thấu cảm thật sự luôn phải xuất phát từ những trải nghiệm tương đồng. Tao thấy rằng tao hôm trước chỉ có thể đồng cảm với cô gái đó ở đoạn đầu khi cô ấy nói rằng cô ấy đã khủng hoảng tâm lý và phải trị liệu ra sao nhưng tao không hứng thú khi cô ấy nói sâu về sự quá nhạy cảm của mình. Có thể do tao nhìn thấy luôn rằng mối quan hệ này không đi đến đâu nên tao đã tỏ ra không hứng thú và do dự ở đoạn sau trong việc có nên lấy số cô ấy không.

Gy: 
   Mày sẽ chẳng thể nhớ nội dung câu chuyện là gì, có chăng chỉ là một vài câu punchline nhưng mày sẽ nhớ rất lâu những cảm xúc đọng lại. Cái động lực cho việc trao đổi liên hệ, hẹn gặp nhau lần nữa xuất phát từ sự tò mò hoặc sự nhớ nhung. Mày không còn tò mò về cô ấy, cũng chẳng có gì đáng nhớ về cảm giác nói chuyện với cô ấy thì chấm dứt ở đấy cũng được rồi. Tao tin rằng những người làm nghề trị liệu tâm lý cũng vậy thôi, họ cũng không thể nuốt trôi được tất cả câu chuyện trớ trêu mà họ lắng nghe hàng ngày nhưng đồng tiền là động lực để họ tiếp tục hẹn gặp lại khách hàng hết lần này đến lần khác. 

Giang: 
   Thực ra nếu đủ tinh ý thì sẽ nhận ra ngay là đối phương thấu cảm thật hay giả vờ. Sự thực là cô ấy đã nhận ra tao mới chỉ đồng cảm chứ chưa thấu cảm. Cô ấy cũng khen tao về việc tao có thể khiến cô ấy chia sẻ về bản thân chỉ sau mấy phút nói chuyện. Cô ấy đã gặp gỡ nhiều chuyên gia tâm lý nên việc cô ấy biết được điều đó cũng là điều dễ hiểu. Cho dù cô ấy vẫn thấy thích được lắng nghe, bất chấp đó là thật lòng hay thuần kĩ thuật, nhưng thái độ của cô ấy với tao cũng đã thay đổi tại thời điểm đó. 

Gy: 
  Chúng ta đang nói về một sự thấu cảm thực sự. Chắc chắn nó phải xuất phát từ những trải nghiệm tương tự. Cho dù cô ấy là một người kể chuyện hay đi nữa, như các biên kịch, các nhà văn, các nhạc sĩ có thể làm ra một tác phẩm chạm đến trái tim của rất nhiều người nhưng cũng chưa chắc chạm đến trái tim của mày, vì họ chỉ đi được 90% quãng đường, 10% còn lại phụ thuộc vào mày, vào trải nghiệm của mày. Cái câu "Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim" nghe sến sẩm nhưng nó có vẻ đúng đấy. Vì có lẽ trái tim con người đều có những trải nghiệm tương tự nhau. Còn để có thể gia tăng sự thấu cảm thực sự, việc duy nhất mày phải làm là gia tăng trải nghiệm của bản thân, bước vào growing zone thường xuyên hơn, mở rộng comfort zone ra và thậm chí nên thỉnh thoảng thử danger zone. 
   Việc mày không thấu cảm với đoạn sau câu chuyện của cô ấy là do nó nằm ngoài những trải nghiệm mày từng có. Nó mới đối với mày. Và chính vì nó mới, việc mày lắng nghe nó là một trải nghiệm. Và vì nó mới, mày chẳng có căn cứ để phán xét tốt xấu đúng sai, mày tỏ ra một thái độ trung dung. Cái thái độ này không thực sự kích thích cô ấy như thái độ hứng thú nhưng cũng đủ để cô ấy hăng hái chia sẻ hơn. Nên giữ thái độ trung dung vì sau một quá trình càng lúc càng hăng hái chia sẻ, biết đâu mày sẽ tìm được thêm những điểm giao giữa mày và cô ấy, đó là lúc sự đồng cảm thực chất nảy sinh. Và như một phản ứng đáp trả, cô ấy sẽ sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của mày hơn. Quan trọng nhất là thái độ trung dung sẽ giúp mày có được bình yên nội tâm, không để tác động từ câu chuyện của họ ảnh hưởng quá sâu vào tâm trạng của mày. Đó là cách tao lý giải câu nói của ông Đặng Hoàng Giang.

Giang: 
   Thời gian của tao có hạn. Tao không thể đọc tất cả sách hay xem tất cả bộ phim trên đời cũng như có cuộc nói chuyện sâu với tất cả mọi người. Tao có quyền tỏ ra không hứng thú để nhanh chóng chấm dứt cuộc nói chuyện.

Gy: 
   Điều đó tốt thôi. Mọi mối quan hệ, mọi cuộc nói chuyện luôn cần có điểm dừng. Đặt ra những nguyên tắc cứng để dừng lại khi đến lúc và đừng hối tiếc sau khi đã dừng.

Nhận xét

Bài Đăng Phổ Biến